Cải thiện chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội
09/09/2019 09:18:00
TP Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Theo số liệu thống kê năm 2018, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) tại TP Hà Nội là vấn đề đáng lo ngại. Số liệu từ trạm đo thuộc Ðại sứ quán Mỹ và phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc, nồng độ bụi mịn trung bình năm tại Hà Nội vẫn đang ở mức cao (40,1µg/m3), vượt quá giới hạn của Quy chuẩn quốc gia QCVN:05/2013/BTNMT. Khi phân tích dữ liệu theo ngày, số ngày trong năm có nồng độ bụi mịn trung bình ở mức cao là 88 ngày, tương đương 24% tổng số ngày trong năm; nếu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thì con số này là 232 ngày, chiếm 64% tổng số ngày trong năm. Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các vị trí cũng khác nhau. Các trạm đo tại đường Minh Khai và đường Phạm Văn Ðồng có số ngày trong năm có nồng độ bụi vượt quá Quy chuẩn quốc gia cao nhất lần lượt là 129 ngày (35% tổng số ngày trong năm) và 109 ngày (30% tổng số ngày trong năm). Tuy nhiên, kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo giờ tại các trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, phần lớn ở mức trung bình (chiếm khoảng 68%); không có ở mức nguy hại, số giờ ở mức kém cũng chiếm tỷ lệ thấp. Ðáng chú ý, trong năm 2018, số giờ ở mức rất có hại cho sức khỏe chiếm 1%, giảm 0,4% so với năm 2017.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: Nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ô-tô, xe máy thải ra. Bụi mịn có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, phổi, mạch máu, gây nên nhiều bệnh mãn tính, hoặc khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn. Chính vì vậy, những người mắc các bệnh mạn tính cần hạn chế ra đường, nhất là vào các giờ cao điểm. Nếu phải lưu thông trên đường, người dân nên trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang chuyên dụng, kính... hay sử dụng các phương tiện công cộng.

Trước thực trạng nêu trên, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, như triển khai Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, với quy mô 20 trạm quan trắc không khí. Dự kiến đến năm 2030, toàn thành phố có 50 trạm quan trắc. Ðây là một trong những nỗ lực góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của TP Hà Nội. Ðồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng: Ô nhiễm môi trường không khí hiện đang là vấn đề phức tạp, không chỉ riêng Hà Nội mà của cả nước. Vì vậy, để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn, như: tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng và trên phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm; khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; kiểm soát chặt chất lượng nhiên liệu đi-ê-zen và xăng.

Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng; xây dựng các cơ chế cụ thể để có sự tham gia của cộng đồng trong quy trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí. Phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của cộng đồng đối với các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là các dự án mới xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

KHÁNH HUY

Liên kết