Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch xây dựng QCVN về môi trường giai đoạn 2020-2022
18/03/2021 09:28:00
Chiều 17/03, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã làm việc với Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về tình hình xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về môi trường.

Tại cuộc họp, báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng QCVN về môi trường (Kế hoạch) giai đoạn 2020-2022​, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết: Theo Kế hoạch đã được Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 2664/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2020, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm chủ trì xây dựng​ 31 QCVN về môi trường gồm 25 QCVN thay thế cho 48 QCVN đã được ban hành​, xây dựng mới 06 QCVN đã được quy định trong Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT 2020).

Đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ hệ thống 48 QCVN về môi trường

Quán triệt việc rà soát, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phải bảo đảm phù hợp với Luật BVMT 2020 và yêu cầu hội nhập quốc tế, đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Môi trường (Tổng cục) đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ hệ thống 48 QCVN về môi trường bao gồm 12 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và 36 QCVN về chất thải và xử lý chất thải. Trên cơ sở đó, Tổng cục đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 25 QCVN (thay thế cho 48 QCVN về môi trường), xây dựng mới 06 QCVN đã được quy định trong Luật BVMT 2020.

Hiện Tổng cục Môi trường đã xây dựng được 14 dự thảo QCVN gồm 05 dự thảo QCVN về chất lượng môi trường, 03 dự thảo QCVN về chất thải và 06 dự thảo QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Cụ thể là QCVN về chất lượng môi trường không khí xung quanh; QCVN  về chất lượng môi trường nước mặt; QCVN về chất lượng môi trường nước dưới đất; QCVN về chất lượng môi trường nước biển; QCVN về chất lượng môi trường đất; QCVN về nước thải công nghiệp; QCVN về khí thải công nghiệp; QCVN về nước thải chăn nuôi; QCVN đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN đối với phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép) nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với 08 dự thảo QCVN về chất thải và chất lượng, Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, hiệp hội và chuyên gia tại khu vực phía Bắc vào cuối năm 2020 và đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa dự thảo.

Tổng cục cũng đã tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo 05 QCVN về chất lượng môi trường và dự kiến trình Bộ TNMT thẩm tra trong tháng 3/2021.

Với 06 dự thảo QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Tổng cục Môi trường đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định vào cuối năm 2020; đồng thời cũng đã làm việc trực tiếp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để trao đổi và đã thống nhất các nội dung còn vướng mắc trong các dự thảo này. Dự kiến trong tháng 3/2021, Tổng cục sẽ trình Bộ ký ban hành đối với các QCVN này ngay sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Xây dựng, hoàn thiện các QCVN về môi trường trong năm 2021 và các năm tiếp theo hiệu quả, khoa học

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng cũng báo cáo Bộ trưởng và Thứ trưởng về kế hoạch triển khai xây dựng, hoàn thiện các QCVN về môi trường trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Trong đó đối các QCVN về chất lượng môi trường và chất thải, do tính chất phức tạp và tầm quan trọng của các QCVN này, Tổng cục sẽ khẩn trương tổ chức một số hội thảo tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các hiệp hội để sớm hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ xem xét, thẩm tra, ban hành các QCVN này vào quý 3 năm 2021.

Cùng với đó trong năm 2021, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi 11 QCVN (gồm 03 QCVN về chất lượng môi trường và 08 QCVN về chất thải và xử lý chất thải) theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 2664/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2020.

Trong năm 2022, Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng mới 06 QCVN gồm QCVN về bãi chôn lấp chất thải rắn; QCVN đối với thiết bị xử lý, tái chế chất thải; QCVN về vi nhựa trong sản phẩm, hàng hóa; QCVN về khí thải đối với phương tiện giao thông vận tải; QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị; QCVN đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn tương ứng của quốc tế, theo quy định của Luật BVMT 2020.

Về một số khó khăn và đề xuất trong quá trình xây dựng, dự thảo các QCVN về môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, các dự thảo QCVN về môi trường được xây dựng theo hướng hội nhập quốc tế, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến và có hệ quy chuẩn kỹ thuật về môi trường có nhiều điểm tương đồng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến khá phức tạp, liên quan đến nhiều luật khác nhau, vì vậy vẫn cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu sâu, làm rõ hơn trong quá trình vận dụng, áp dụng tại Việt Nam.

Đồng thời, Tổng cục Môi trường sẽ nghiên  cứu, trao đổi với các chuyên gia quốc tế nhằm xây dựng một cách hiệu quả, tiệm cận với quốc tế đối với các nội dung liên quan đến quan điểm, định hướng xây dựng tiêu chuẩn môi trường; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi tiêu chuẩn môi trường; cách thức áp dụng theo hệ thống quản lý và pháp luật về môi trường của các nước.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tập trung hoàn thành các QCVN về môi trường để bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đã duyệt. Thứ trưởng cũng nêu rõ việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các QCVN phải có khoa học, phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi áp dụng ở Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các QCVN, Tổng cục cần tiếp thu, hoặc giải trình các ý kiến phản biện của chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức và người dân; tăng cường trao đổi với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để đảm bảo chất lượng của QCVN đồng thời bảo đảm tính pháp lý, khoa học và phục vụ tốt sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường và Vụ Pháp chế mời một số chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia có kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số nước tiên tiến, để cùng hỗ trợ, phối hợp trong quá trình xây dựng các dự thảo QCVN. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế phải giữ vai trò phản biện độc lập trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự thảo các QCVN để tham mưu Bộ ban hành các QCVN có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao nhất./.

Liên kết