Cổng thông tin quan trắc môi trường

Cục môi trường Trung tâm quan trắc môi trường miền bắc
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên
11/12/2023 05:05:00
Ngày 03/11/2023, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Đến dự và đồng chủ trì Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Hội nghị) có đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của: Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT); các đơn vị trực thuộc Bộ TNMT (Văn phòng Bộ, Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học,...) và Sở TNMT, Ban quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TNMT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận, đánh giá cao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu cho Bộ TNMT tổ chức các Hội nghị giao ban cấp vùng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ghi nhận sự quan tâm và có mặt đông đủ của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức đang làm công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng tại các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
“Hội nghị của chúng ta được diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là thời điểm tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Khóa XIII, trong đó đã xác định BVMT, kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, môi trường nước ta nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, hiện vẫn đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng. Từ các vấn đề nêu trên đã đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân bày tỏ mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận để triển khai một số nội dung quan trọng theo các quy định của Luật BVMT năm 2020, như: (1) công tác xây dựng các nội dung về BVMT trong Quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch BVMT Quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan; (2) tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó tập trung xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đối với các KCN, CCN, các đô thị và làng nghề đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về BVMT. Kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong KCN, CCN, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về BVMT; (3) triển khai công tác quản lý chất thải theo quy định, đặc biệt là kế hoạch phân loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bắt đầu triển khai từ năm 2025 nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của đất nước; (4) xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; (5) xây dựng các giải pháp để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực đang bị ô nhiễm hiện nay tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, vấn đề ô nhiễm lưu vực sông và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam phát biểu chào mừng Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, đồng chí Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự khi thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được lựa chọn để tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường cấp vùng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết “Những năm qua, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Trong giai đoạn 2008-2020, việc thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường đã đạt những kết quả to lớn như: cấp nước đô thị đạt 99%; 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 83% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%...”
Thành phố Đà Nẵng đã được các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều giải thưởng về môi trường và đô thị như: Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN); Thành phố carbon thấp (APEC); Thành phố phong cảnh Châu Á; Giải thưởng môi trường Việt Nam; Thành phố Xanh quốc gia... Đặc biệt, năm 2020, thành phố là 1 trong 5 thành phố đạt mức tốt, năm 2021, là địa phương dẫn đầu về công tác BVMT do Bộ TNMT chủ trì đánh giá và công nhận.
“Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án xanh... và từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm. Vào tháng 4-2021, UBND thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Xây dưng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, trong đó, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm là mục tiêu hàng đầu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, nhiệm vụ quan trọng như: chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng; đề án xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố; kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025...
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải, khí thải các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và các trạm xử lý nước thải; tập trung giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại và kiến nghị của cử tri; kiểm soát ô nhiễm bụi, tiếng ồn trong đô thị; tăng cường chất lượng thẩm định, cấp phép và thu phí bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem Video phóng sự về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; nghe đại diện một số báo cáo tham luận của các địa phương về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo báo cáo công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong giai đoạn 2020-2022, chất lượng không khí tương đối tốt và ổn định, nồng độ các thông số ô nhiễm tương đối thấp. Kết quả quan trắc môi trường nước 2 năm qua, tại khu vực cửa sông, tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng vào mùa khô, điển hình là cửa sông khu vực hạ lưu lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Chất lượng môi trường nước biển ven bờ ở khu vực này đang chịu nhiều tác động và suy giảm.
Đến hết năm 2022, toàn khu vực có 39/51 khu công nghiệp (KCN) có công trình xử lý nước thải tập trung. Về quan trắc tự động liên tục, hiện nay, mới chỉ có 29/51 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đạt tỉ lệ 56,86%.
Vấn đề đáng lo ngại của khu vực này là nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại khu vực trong 3 năm từ 2020-2022 còn thấp với tỉ lệ lần lượt là 19,98%, 19,19% và 29,77%. Năm 2022, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng đạt khoản 79,19%. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hầu hết vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó 50 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 105 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng phát biểu tham luận tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đắk Nông phát biểu tham luận tại Hội nghị

Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho Sở TN&MT 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã trao đổi, chia sẻ và kiến nghị Bộ TN&MT tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật BVMT 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như đề xuất một số nội dung xem xét tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, nội dung bổ sung, sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT trong thời gian tới. Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của Sở TN&MT các địa phương khu vực phía Bắc, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT như: công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó đặc biệt là công tác giám sát, ứng phó sự cố môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải phát sinh từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; công tác thanh, kiểm tra về BVMT cũng như phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường trong thời gian tới,… 
 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh “Qua báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Sở TN&MT các địa phương có thể thấy rằng công tác quản lý nhà nước về BVMT thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, với nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, hiệu quả, theo nguyên tắc tiếp cận “chuyển từ bị động sang chủ động”, từ “xử lý khắc phục sự cố sang phòng ngừa sự cố”; thực hiện “song song tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm”. Các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là tổ chức quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BVMT; chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường thông qua nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, hoạt động BVMT của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các điểm nóng về môi trường phát sinh.
Qua Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TNMT Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong thời gian qua, đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, quan trọng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng; từng bước giải quyết các vấn đề và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng; hướng tới quản lý bền vững tài nguyên và BVMT một cách hiệu quả, thiết thực và công bằng. Đồng thời, bảy tỏ tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự hợp tác phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo đối với công tác BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


 

Hình ảnh

Liên kết